27/6/08

Ba lý do khiến người Nga “gục ngã”

Đã có rất nhiều người tin rằng, với phong độ đang lên cao của các cầu thủ Nga thì họ sẽ “đòi lại” những gì mà người Tây Ban Nha đã cho họ “nợ” ở loạt trận mở màn tại bảng D nhưng rốt cuộc và cũng rất đáng tiếc cho các chú “Gấu Nga”, thêm một lần nữa họ lại bị “Bò tót” húc đổ trước ngưỡng cửa thiên đường Vienna ngày 30.06.

Có khá nhiều lý do để hiểu tại vì sao ĐT Nga lại thất thủ 3 bàn trắng trước ĐT Tây Ban Nha như do thời tiết, tâm lý, tinh thần các cầu thủ, sự vượt trội của các ngôi sao, bản lĩnh thi đấu…. Nhưng có lẽ chúng ta chỉ nên tóm gọn ở 3 lý do chính mà thôi:

1. Một đội hình thiếu chiều sâu: mặc dù có trong tay 23 cầu thủ nhưng hầu như hoàn toàn Guus Hiddink không hề sử dụng được hết những cầu thủ đó bởi khoảng cách giữa những cầu thủ dự bị với những cầu thủ chính thức ở đội hình ĐT Nga là điều rất dễ nhận ra. Chúng ta hãy so sánh thử đội hình Đội tuyển Nga trận đầu ra quân với trận họ thắng Hà Lan 3-1 thì thấy rất rõ, chỉ cần Pavluychenko, Arshavin trở lại là mọi chuyện đều đã khác. Chính vì thế khi hàng tiền vệ bế tắc, Arshavin không thể hiện được nhiều bởi không có người chia lửa thì Guus Hiddink cũng đành chịu chết khi không có cầu thủ nào có đẳng cấp “số 10”. Cùng với đó là vị trí tiền đạo đá cặp với Pavluychenko, tiền đạo Saenko lẫn Dmitri Sychev đều không phải là Pogrebnyak dẫn tới khi gặp các đội bóng ở đẳng cấp cao hơn, Pavluychenko hầu như cô độc trên hàng công.

Sự sáng tạo trên hàng công của Nga trong trận đấu đêm qua là không có.

Trong khi ngược lại bên phía đối địch thì HLV Luis Aragones thì lại tha hồ có sự lựa chọn cho tuyến “kiến thiết” của mình. Chỉ cần Xavi thi đấu mờ nhạt hoặc hàng tiền vệ cần thêm sự sáng tạo là chắc chắn Cesc Fabregas được tung vào sân để tạo nên sự khác biệt ngay. Điều này đã được minh chứng vô cùng rõ ràng trong các trận ở vòng bảng và cho đến trận gặp Ý rồi đến ngay trong trận đấu với Nga. 3 bàn thắng của Xavi, Guiza và Silva đều in đậm dấu ấn của nhạc trưởng câu lạc bộ Arsenal.

Cái thua đầu tiên của người Nga chính là sự sáng tạo không được “bổ sung” đúng lúc.

2. Quá phụ thuộc vào Andrei Arshavin: Có 1 sự đảm bảo trước khi trận đấu này diễn là nếu có 10 người thì tới 8 người tin tưởng chắc chắn vào Arshavin sẽ dẫn dắt ĐT Nga phục thù thành công ĐT Tây Ban Nha để đưa Nga lọt vào trận CK gặp ĐT Đức nhưng tất cả đã “nhầm” và khó tin vào mắt mình khi nhạc trưởng của Zenit Saint Peterburg hoàn toàn không làm được gì trước Marcos Senna. Cầu thủ mang áo số 19 của ĐT Tây Ban Nha đã kèm cặp quá nhiệt tình và chặt chẽ tới mức khó thở đối với số 10 của ĐT Nga.

Quá phụ thuộc vào Arshavin cho nên ĐT Nga đã không có được sự biến đổi trong lối chơi khi Arshavin bị bắt bài.


Khi Arshavin “mất điện” thì những vệ tinh xung quanh anh như Semak, Semshov, Zyryanov, rồi thêm cả Bilyaletdinov cũng đành bó tay trước Puyol , Ramos, Iniesta, Silva, Capdevila.

Điều đó chứng tỏ một điều, Luis Aragones cùng các học trò mình đã nghiên cứu quá kỹ càng lối chơi của ĐT Nga. Họ bắt chết toàn bộ những cầu thủ gây đột biến bên phía đối thủ. Không cho họ một khoảng trống để phối hợp hay làm bất kỳ điều gì nguy hại cho khung thành đội nhà. Chính bởi thế nên Pavluychenko đành phải thử vận may bằng 1 cú sút không cần đà mà suýt chút nữa là có bàn thắng cho “Gấu Nga” nếu như Iker Casillas không xuất sắc nhưng nó hoàn toàn là cầu may chứ không có đường nét nào là của ý đồ chiến thuật cả.

Hàng tiền vệ của Tây Ban Nha lúc đầu với Xavi – Iniesta – Silva cùng với bộ đôi Torres – Villa đã hoán đổi vị trí trong sơ đồ chiến thuật vô cùng linh hoạt chính vì thế mà hàng thủ Nga dù có xuất sắc đến đâu cũng không thể phân định rõ ràng là nên kèm ai và bỏ ai. Rồi sau khi thay bằng Guiza và Cesc Fabregas thì sự nguy hiểm lại càng tăng lên kèm theo đó là 1 trận thua đau đớn dành cho các học trò của Guus Hiddink.

Điểm thua thứ 2 chính là sự phụ thuộc dành cho 1 cầu thủ - Đây là điều hiếm thấy ở chính Guus Hiddink khi ông dẫn dắt các câu lạc bộ và ĐTQG.

3. Cái dớp của Guus Hiddink: Nhớ lại 1 chút, tại France 98 ở Pháp, Hiddink dẫn dắt Hà Lan đánh bại Argentina ở Tứ kết bằng một lối chơi thuyết phục và đẹp mắt nhưng rồi họ lại không thể vượt qua Brazil rồi thua Croatia ở trận tranh hạng 3.

Năm 2002, Hàn Quốc hoành tráng vượt qua Italia (vòng 2), Tây Ban Nha ở Tứ kết nhưng rồi lại cũng đành dừng bước trên sân nhà trước người Đức ở Bán kết.

Năm 2008 cũng vậy, cũng lại là 1 lối chơi bùng nổ, cống hiến và đầy tính chiến thuật nhưng thêm một lần trong chiều mưa tầm tã, trận Chung kết đầu tiên khi ông dẫn dắt 1 ĐTQG đã không thể thành hiện thực.

Và cái dớp bán kết của Hiddink đã lại hiện lên.

Số phận đã không chiều lòng người hay thật sự may mắn luôn lẩn tránh Guus Hiddink ? Những gì ông đã làm cho những đội bóng tưởng như khó có thể tạo nên bất ngờ và tính ổn định là rất lớn. Nhờ có ông mà tiềm năng trong vô thức của khá nhiều cầu thủ vô danh đã trở thành những ngôi sao sáng của bóng đá thế giới như Park ji-sung, Arshavin, Pavluuychenko hay như những Bergkamp và Robben…chỉ có điều tất cả cũng vẫn chỉ dừng lại ở 2 từ nuối tiếc mà thôi.

Ông không hề thua Luis Aragones về mặt kinh nghiệm, chiến thuật và sự khôn ngoan nếu như không muốn nói là Hiddink còn được phong danh “cáo già” hơn “Nhà hiền triêt” nhiều lần. Rất tiếc, giả dụ như ông có đủ những cầu thủ mà mình cần và 1 đội hình đồng đều hơn dù chỉ là 1 chút thôi chắc chắn sẽ không có chuyện Hiddink để thua tới 3 bàn trắng như thế.

Có thể nói tất cả đã khép lại sau đêm mưa tại Ernst Happel. Mọi lý do lúc này nói ra cũng chỉ để giúp chúng ta hiểu sâu thêm những vấn đề của 1 trận đấu nhiều cảm xúc mà thôi.

Theo Tiểu Đăng(3T)

Không có nhận xét nào: